Hôm nay (21/8/2021), thực sự nhà đang có tang mà đọc được thông tin CLB Hải Phòng và Nam Định gửi đơn đề nghị hỗ trợ tiền mà không thể không VIẾT VỘI vài dòng suy nghĩ cá nhân của một thằng lăn lộn cùng bóng đá không ít (không phải với tư cách một người cũ của VPF), rất mong nhận được góp ý của mọi người!
Thời buổi dịch bệnh phức tạp 2 năm qua thế này biết bao doanh nghiệp khó khăn, phá sản hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng trong đó có mình (đóng cửa Cty riêng sau khi cắm ống thở 2 năm vì dịch bệnh). Đó là còn chưa tính số doanh nghiệp đang thở ô xy chờ rút ống thở, biết bao người mất việc cũng đành chịu, kêu than không giải quyết được gì, phải tự tìm cách sống chung với dịch bệnh. Cả thế giới đều vậy không chỉ là Việt Nam. Xin hỏi các doanh nghiệp ấy kêu ai, ai giúp, ai hỗ trợ tiền để sống? Viết đơn xin Hội doanh nghiệp, sở tài chính, sở kế hoạch đầu tư, bộ công thương… hỗ trợ kinh phí để duy trì. Hay hàng ngày vẫn còng lưng trả lãi ngân hàng mà thoi thóp.
Bóng đá Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy, ảnh hưởng dịch bệnh là hết sức rõ ràng. Bây giờ cuộc sống của người dân còn khó khăn nói gì tới chuyện kéo nhau ra sân mà đá bóng hò hét. Vậy mà người ta lại có thể đưa ra điều kiện “hỗ trợ tiền đi thì tôi chơi”, thật sự là không biết nói sao cho vừa lòng. Không hiểu lúc đá, khán giả đông kín sân, bán được bao nhiêu vé có thông báo và trích lại tiền cho Ban tổ chức không?
Mới 1 năm trước khi cả thế giới đang vùng vẫy, hoãn các loại giải để cuối 2020 đá, thậm chí còn còn đá cả sang năm 2021 mới kết và đá không khán giả thì ở Việt Nam, bóng đá vẫn diễn ra với những khán đài rực lửa như Thiên Trường của Nam Định được cả thế giới gọi tên, tất cả nhờ công tác phòng chống và dập dịch tốt của Việt Nam.
Euro, Olympic vừa qua cũng là hoãn từ 2020 sang 2021, ảnh hưởng tới hàng triệu người, vận động viên rồi nhà tổ chức, tài trợ đủ hết cả, đặc biệt là điểm rơi phong độ của các vận động viên đều ảnh hưởng. Tốn kém biết bao tiền của, của nhiều nước chứ không chỉ là chủ nhà tổ chức. Ấy vậy mà nó đã thành công rực rỡ thế nào sau khi phải chấp nhận hoãn lại.
Bây giờ khi dịch bệnh bùng phát tại nước nhà với chủng Delta, sức lây lan kinh khủng hơn rất nhiều, trong khi việc mua vắc xin là cực khó, có tiền chưa chắc mua được. Tất cả phụ thuộc vào ngoại giao chính trị mới có thể mua và nhận viện trợ được. Không có bất cứ tỉnh thành nào dám KÝ cho phép tập trung đông người, tổ chức sự kiện thể thao, thì làm sao mà “tổ chức đá tập trung không khán giả được” – Cái này mình biết là VPF và các CLB đã họp và trao đổi rồi nhưng không thể khả thi ít nhất trong thời gian từ nay tới cuối năm.
Nhiều người bảo sao không “đá bong bóng như đội tuyển”, xin hỏi mọi người để áp dụng bong bóng được với đội tuyển thì trước đó đội tuyển đã phải thực hiện những quy định gì? Tiêm vắc xin ra sao… Đối với tình hình bóng đá Việt Nam và sự quản lý tại địa phương của các CLB thì tự CLB cũng thấy để đảm bảo được yêu cầu cần thiết cho chính đội của mình đá bong bóng cũng đã khó rồi.
Giải J.League vẫn đá không khán giả khi họ tiêm đủ vắc xin và áp dụng giãn cách và kiểm soát dịch chi tiết. CLB họ chấp nhận đá nếu đội mất người vì dịch 5-7 người trước giờ thi đấu dù chỉ là nghi ngờ hoặ nhiệt độ cao chưa sốt thì sẽ loại ra và đội vẫn đá bình thường. Nếu việc này xảy ra ở Việt Nam thì có CLB nào đồng ý không? Chưa kể thử lấy cách suy nghĩ tiêu cực một chút ở Việt Nam thì nếu giả sử có động tác giả nào cho 2-3 cầu thủ tốt nhất của đội bạn bất ngờ bị nghi dương tính phải tạm cách ly theo dõi, tức nghỉ thi đấu trận đó thì CLB sẽ chấp nhận đá tiếp chứ? Cái này chỉ là giả sử mà đã thấy nó không khả thi rồi. Hay lại đá bóng trách nhiệm cho Bộ Y Tế phải cử người giám sát toàn bộ và CHỊU TRÁCH NHIỆM về dịch bệnh như kiểu anh GIÁO DỤC mới đây đá bóng sang chân anh Y TẾ ở kỳ thi tốt nghiệp?
Các vấn đề trên mình đã viết ở bài trước về Lối đi nào cho Bóng đá Việt Nam (có thể xem lại trên FB hoặc https://ducmanh.vn/loi-di-nao-cho-bdvn-va-vleague-2021.html)
Trở lại vấn đề của bóng đá Việt Nam khi một số CLB mong muốn hủy giải luôn tại thời điểm này, nếu dừng mà tốt cho tất cả thì câu chuyện lại rất dễ. Ở đây, có thể thấy vài vấn đề sẽ xảy ra nếu HỦY giải đấu:
– Rất có thể Xếp hạng giải VĐQG chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, và trực tiếp liên quan tới quyền lợi của các CLB khi thi đấu quốc tế… cái này chắc phải nhờ VFF thông tin cụ thể theo AFC.
– BTC tức VPF sẽ phải trao đổi đàm phán với Nhà tài trợ, thông cảm được thì tốt mà không thì đền bù hợp đồng cũng phải chấp nhận. Xong vấn đề không đơn giản chỉ là tài trợ, mà vấn đề nó nằm ở việc ghi nhận nỗ lực của các CLB trong suốt 12 vòng đấu vừa qua, rồi các cầu thủ sẽ thế nào? Nguồn lực cho các đội tuyển quốc gia tham gia các giải đấu nữa… Cái dở của VPF chính là việc đã bàn và thống nhất không thực hiện được lại không đưa vào văn bản gửi các CLB xin ý kiến cho phương án mới, dẫn tới việc nhiều người hiểu không đầy đủ vấn đề tạo dư luận không tốt.
– CLB luôn muốn HỦY để kết thúc hợp đồng và chấm dứt với các cầu thủ, cắt giảm mọi chi phí kể cả “phí lót tay chuyển nhượng” vì không thi đấu để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, các CLB ở Việt Nam vẫn sống bằng 1 phần Ngân sách và Nhà tài trợ, có mấy CLB sống bằng bầu sữa của các Ông Bầu đâu? Trong tình cảnh dịch bệnh này thì không Nhà tài trợ nào muốn CLB đá bằng được, dân đang mải chống dịch và lo ăn, thời gian đâu mà theo dõi bóng đá. >>> Không có lợi gì cho việc quảng bá thương hiệu, gói tài trợ cho CLB coi như vô tác dụng và mất ý nghĩa. Việc CLB chấm dứt hợp đồng sớm với các cầu thủ chỉ là 1 cách đẩy cái khó của CLB (tập thể được nuôi từ Ngân sách và Nhà tài trợ) sang cho cá nhân các CẦU THỦ chịu (không được tiền ngân sách hay tài trợ gì).
– CÁC CẦU THỦ thì Không có hiệp hội cầu thủ để bảo vệ mình. Quanh năm ngày tháng chỉ biết tập luyện và đá bóng kiếm tiền lo cho gia đình và nuôi dưỡng đam mê đá bóng của mình. Họ sẽ làm gì để kiếm sống? Phải lao ra đường tìm việc để làm để kiếm tiền, không toàn tâm cho bóng đá nữa, không tập luyện tốt thì phong độ cũng giảm và tài năng thì cũng mai một. Không còn niềm tin nữa thì sau này trở lại bóng đá bằng cách nào? Chúng ta biết bao năm đã đánh rơi biết bao tài năng trẻ từ bóng đá thiếu niên, nhi đồng phải về đi phụ hồ, lơ xe,… Ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay cầu thủ đang thi đấu có hợp đồng quảng cáo, hoặc tự kinh doanh được ra tiền. Giờ dịch bệnh thì quảng cáo cũng khó và tự kinh doanh thì cũng chắc khó để duy trì nữa. >>> Đối tượng bị ảnh hưởng nhất nếu Hủy giải chính là cầu thủ – các diễn viên chính của sân chơi này.
Cá nhân Mạnh thấy hiện tại viện tạm hoãn giải là hợp lý. Biết đâu đấy, thời gian tới dịch được kiểm soát, toàn dân được tiêm đủ vắc xin, Đội tuyển ổn định được lịch tập luyện thi đấu giải quốc tế thì VPF và các CLB lại ngồi họp để bàn bạc cách tổ chức tiếp giải đấu sớm, hoặc đá cơ chế bong bóng khi có đủ các điều kiện cần thiết!? Hoãn Giải thì CLB và Cầu thủ hoàn toàn có thể trao đổi để giảm các chi phí cần thiết trong thời gian này như:
– Lương cầu thủ giảm coi như có tiền hỗ trợ cầu thủ về địa phương tự tập luyện duy trì chuyên môn và thể lực
– Lương nhân sự CLB giảm
– Thưởng thì đương nhiên không có
– Chi phí hậu cần ăn ở tập luyện, sinh hoạt điện nước,… không phải chi
>>> Khi hoãn Giải thì chi phí CLB cũng giảm đi khá nhiều chỉ còn lại lương. Còn cầu thủ thì cũng chỉ nhận 1 phần lương để nuôi dưỡng tình yêu với trái bóng, ràng buộc với CLB hiện tại mà thôi. Nhưng nó là cái tình mà các CLB có thể tạo điều kiện cho các cầu thủ ở thời điểm hiện tại, khi mà dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Nhắc lại là CLB còn có nguồn từ ngân sách và tài trợ của các Ông Bầu để tính toán duy trì hoạt động (Hủy Giải thì CLB vẫn phải hoạt động và nuôi một số cầu thủ của mình). Chứ Cầu thủ thì họ sẽ đỡ được rất nhiều lo toan cuộc sống khi nhận được 1 phần lương mà CLB hỗ trợ trong mùa dịch.
Có người đã bảo rằng sao VPF không hủy luôn đi, được lòng CLB vui vẻ cả làng mà lại phải cố chọn cách làm sao để tìm cách mà đá được cho khổ ra rồi bị chửi. Mạnh thì đoán mò là VPF chắc cũng sẽ nghĩ cho các cầu thủ nên mới chọn lối đi khó thế này!
Còn rất nhiều điều muốn nói mà chưa thể viết hết ra đây được, nếu có điều gì chưa đúng mong mọi người thông cảm.